Thách thức với Biden nếu đắc cử
Biden đã tiến rất gần đến cảnh cửa Nhà Trắng, nhưng nhiều người cho rằng chờ đợi ông ở phía sau cánh cửa đó là rất nhiều thách thức.
Với 264 phiếu đại cử tri đã giành được theo công bố của AP và Fox News, ứng viên Dân chủ Biden nhiều khả năng sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ. Lúc này, không ít người đã bắt đầu nghĩ tới nhiệm kỳ đầu tiên và đầy thách thức của ông ở Nhà Trắng.
Thách thức đầu tiên và quan trọng nhất của Biden trong những này đầu kế nhiệm có lẽ là nhiều vấn đề nghiêm trọng mà Mỹ phải đối mặt, trong đó nổi bật chia rẽ đảng phái, nguy cơ Tổng thống Donald Trump từ chối chuyển giao quyền lực và Covid-19.
Kịch bản đầu tiên có thể khiến Biden phải đau đầu là Tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận thất bại. Ông Trump có thể yêu cầu kiểm phiếu lại tại các bang thua ứng viên Biden và tiến hành cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng tuần. Trump nhiều khả năng cũng không bắt tay hợp tác với đội ngũ của Biden để tiến thực hiện 11 tuần chuyển giao quyền lực.
Một nhiệm kỳ tổng thống của Biden có thể bắt đầu với nguy cơ bị kẹt giữa hai lực lượng không thể hòa giải, một bên Trump cố thủ và một bên đảng Dân chủ chán nản, mệt mỏi.
Kịch bản nghiêm trọng nhất đối với nhiệm kỳ tổng thống của Biden là đảng Cộng hòa vẫn giữ quyền kiểm soát Thượng viện. Trong khi Biden nắm ưu thế trước Trump, nhiều thành viên đảng Dân chủ không thể nắm ưu thế trong cuộc đua vào Thượng viện.
Lindsey Graham, Thượng nghị sĩ đến từ bang Nam Carolina và lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell đều tái đắc cử. Đảng Dân chủ cũng có thể mất nhiều ghế ở Hạ viện. Những người mới có thể còn theo "chủ nghĩa Trump" hơn chính bản thân Tổng thống. Một trong số đó là Marjorie Taylor Greene, người ủng hộ nhiệt thành của nhóm thuyết âm mưu cực hữu QAnon. Bất kỳ cơ hội nào để phá cơn sốt Cộng hòa, như cựu tổng tống Barack Obama từng nói, đều bị dập tắt.
Biden có thể vẫn thông qua được một số phần trong chương trình nghị sự của mình về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ, đầu tư vào công nghệ xanh và miễn học phí cho sinh viên tầng lớp trung lưu.
Edward Luce, trong bài phân tích trên Financial Times, nhận định Biden sẽ không có cơ hội để xóa bỏ rào cản Thượng viện, thêm các bang mới vào Mỹ như Puerto Rico và Quận Colombia, hay không thể mở rộng Tòa án Tối cao. Nếu có một vị trí khuyết trong tòa án với tỷ lệ 6-3 nghiêng về phe bảo thủ, McConnell có thể đơn giản "chặn cửa" ứng viên của Biden.
"Điều tốt nhất Biden có thể hy vọng là một gói kích thích khiêm tốn", Luce viết, trong khi mô tả Biden trở thành "vịt què" khi trở thành tổng thống mà không thể kiểm soát Thượng viện.
Những thỏa thuận với ông McConnell sẽ là điều cánh tả Dân chủ tránh xa, nhưng nếu không có nỗ lực hợp tác lưỡng viện, chính phủ của Biden sẽ không thể làm được gì nhiều, theo Edward Luce.
Trong tình thế này, ông McConnell đang nắm ưu thế. Một số vấn đề như kế hoạch chống Covid-19 liên bang có thể được hiện theo sắc lệnh, nhưng một số vấn đề khác, như bổ nhiệm quan chức, cần phải có sự chấp thuận của Thượng viện.
"Lựa chọn khôn ngoan cho Biden là bổ nhiệm ít nhất một hoặc hai thành viên Cộng hòa vào nội các. Nhưng cánh tả sẽ ghét điều này", Luce nhận định.
Với việc khó tìm được tiếng nói đồng thuận giữa hai đảng, Biden có thể cũng gặp nhiều trở ngại trong cuộc chiến chống Covid-19. Ứng viên Dân chủ và đồng minh của ông đã cố gắng biến bầu cử tổng thống thành cuộc trưng cầu dân ý về cách Trump xử lý đại dịch.
Adam Tooze, giáo sư sử học tại Đại học Columbia, nhận định đây không phải là "lá bài chiến thắng". Gần nửa số người Mỹ không đồng tình với màn thể hiện của Tổng thống Trump đối với Covid-19, đại dịch khiến hơn 200.000 người chết. Nếu Biden đắc cử, nỗ lực chống Covid-19 sẽ được đặt trên vai ông và chắc chắn đây không phải nhiệm vụ dễ dàng trong những ngày đầu nhiệm kỳ.
Nếu không có nỗ lực tập thể chống Covid-19, cuộc chiến này chỉ biết trông chờ vào sự xuất hiện của vaccine. Tuy nhiên, con đường này không đảm bảo sẽ thành công, theo Tooze.
Nhiều cuộc khảo sát dư luận cho thấy không quá nửa người Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine, ngay cả khi nó được phát triển thành công. Trong đó làn sóng bài vaccine tập trung chủ yếu ở nhóm người Mỹ theo phe Cộng hòa. Hệ quả là Mỹ không thể kiểm soát đại dịch thành công và có thể đối mặt nhiều lần đóng cửa, tác động nghiêm trọng tới cộng đồng và các doanh nghiệp nhỏ.
Nền kinh tế suy thoái với hàng triệu người vẫn còn thất nghiệp do tác động của đại dịch sẽ là một bài toán không dễ dàng đối với Biden nếu trở thành tổng thống.
Thách thức lớn thứ hai của chính quyền ông Biden sẽ là về chính sách đối ngoại. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ từng tuyên bố sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nếu thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Nhiều người thân cận với cựu phó tổng thống Mỹ nói rằng khi nắm quyền, Biden sẽ lập tức đảo ngược hàng loạt chính sách của chính quyền Trump trong nhiều vấn đề, từ Iran, biến đổi khí hậu, Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho tới Triều Tiên.
Mục tiêu của Biden là xây dựng lại các quan hệ liên minh, nhằm hàn gắn "rạn nứt" trong các mối quan hệ quốc tế của Mỹ, đối phó với khủng hoảng khí hậu, đại dịch Covid-19 thông qua hợp tác giữa các nước. Tham vọng của ông là đưa Mỹ trở lại "vai trò anh cả" của thế giới.
Edward Luce cho rằng chính sách đối ngoại sẽ là lĩnh vực mà tân tổng thống Mỹ có thể tự do quyết định hơn các vấn đề đối nội. Tuy nhiên, tác động mà Tổng thống Trump để lại cho nước Mỹ trong 4 năm qua không phải là điều có thể dễ dàng đảo ngược.
Như con gái Ivanka của Trump nói tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa hồi tháng 8 rằng "Washington không thay đổi Donald Trump, Donald Trump thay đổi Washington".
Thanh Hoa -