Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam (Trung Quốc); trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ, cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch đặc hữu cung cấp cho vùng và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tốt bản sắc dân tộc các nét đẹp của văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc,…
Phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đến năm 2030, Lào Cai là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050, Lào Cai trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, là tỉnh phát triển toàn diện của cả nước.
Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch, Quyết định nêu rõ phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trính lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Về xác định nội dung Quy hoạch, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Lào Cai. Cụ thể, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Lào Cai về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, tài nguyên thiên nhiên; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất; đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; đánh giá hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, các khu chức năng.
Bên cạnh đó, phân tích bối cảnh, đánh giá, nhận định về các lợi thế, cơ hội, khó khăn, thách thức và những ưu tiên của tỉnh thời kỳ quy hoạch, trong đó tập trung phân tích, dự báo các yếu tố, điều kiện của vùng trung du và miền núi phía Bắc, quốc gia, quốc tế tác động đến phát triển tỉnh; xác định vị thế, vai trò của Lào Cai đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc và cả nước; về những tồn tại, hạn chế; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và xác định các vấn đề cần giải quyết trong Quy hoạch.
Xác định và lựa chọn các phương án phát triển trong thời kỳ quy hoạch: Phương án phát triển của tỉnh; dự báo, xác định vị thế phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lào Cai vào các năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; phương hướng phát triển các ngành quan trọng; phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội.
Theo Chí Kiên - BaoChinhphu.vn