Từ đầu năm đến nay, bất động sản (BĐS) công nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn do dịch Covid- 19 nhưng các chuyên gia đều cho rằng, trong giai đoạn 2020 – 2021, mảng BĐS này sẽ vẫn khởi sắc.
Sản xuất giảm sút
Theo trang Trading Economics, tháng 1/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam (IIP) giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) sau khi tăng 6,2% vào tháng 12/2019. Đây là lần giảm sản lượng đầu tiên kể từ tháng 1/2017.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho biết, không phủ nhận những tiêu cực do Covid- 19 gây ra nhưng cũng chưa có căn cứ hay số liệu thống kê chứng minh cụ thể giảm sút về sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay do dịch bệnh gây ra. “Việc giảm chỉ số về sản lượng sản xuất được cho là hệ quả của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến tương đối sớm vào cuối tháng 1, dẫn đến việc giảm số lượng ngày làm việc trong tháng. Tình trạng này diễn ra theo chu kỳ, bởi vào quý I hàng năm thì Việt Nam đều có kỳ nghỉ Tết nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I thường thấp hơn nhiều so với các quý khác trong năm” – ông Thành cho hay.
BĐS khu công nghiệp vẫn thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư. Ảnh: Doãn Thành
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Nhưng mức giảm này chỉ ghi nhận ở nhóm các ngành công nghiệp nhẹ, có sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu; còn nhóm ngành công nghiệp khác như khai thác quặng kim loại, công nghiệp điện tử và hóa dược... vẫn đạt mức tăng trưởng tương đối cao từ 11 – 19%.
Tín hiệu khả quan
Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất tại các KCN và chế xuất của Hà Nội vẫn diễn ra ổn định. “Đến thời điểm hiện tại, công nhân tại các KCN và chế xuất của Hà Nội đã trở lại làm việc đạt đến 99%, chỉ có một số DN bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu, còn lại hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường” – ông Long cho hay.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn FDI vào Việt Nam đạt 6,4 tỷ USD. Mặc dù trong tháng 2 là thời điểm Covid- 19 bùng phát, lượng vốn có giảm nhưng chỉ tính riêng trong tháng 1/2020, tổng số vốn FDI đạt 5,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 180% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư tăng trưởng ổn định, dẫn đến nhu cầu về BĐS công nghiệp ngày càng tăng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, Covid- 19 không phải là vấn đề mang tính cấu trúc hay chu kỳ nên thực tế không có ảnh hưởng nhiều đến BĐS công nghiệp của Việt Nam, các DN nước ngoài vẫn không ngần ngại đổ vốn vào Việt Nam.
“Với việc tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do cùng những chính sách mở cửa của Chính phủ, các nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp Việt Nam là vấn đề dài hạn, còn Covid-19 chỉ trong ngắn hạn” – ông Nghĩa nhìn nhận.
Cũng theo ông Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh. Thời điểm này, nhà đầu tư đang chuẩn bị kế hoạch để bứt phá khi hết dịch bệnh. Vì vậy, sau dịch bệnh, các hoạt động sản xuất, tiêu dùng sẽ hồi phục nhanh chóng, các DN thời điểm hiện tại đang có sự chuẩn bị, lúc đó sẽ có đà để tăng trưởng. BĐS công nghiệp sẽ vẫn là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm, Giám đốc thị trường Hà Nội (Công ty JLL Việt Nam) Nguyễn Hồng Vân cho rằng, từ năng 2019 đã ghi nhận sự gia tăng lớn về nguồn vốn đầu tư của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư BĐS khu công nghiệp để cho thuê, nhưng với ảnh hưởng của dịch Covid- 19, chúng ta cần một khoảng thời gian ngắn hạn để bắt nhịp với thị trường.
“Hiện nay, giá thuê BĐS công nghiệp ở Việt Nam đã ở mức tương đối cao, khoảng 95 USD/m2 cho một chu kỳ thuê là 50 năm, một số khu vực gần Hà Nội đã ở mức trên 100 USD/m2, cho thấy nhu cầu thuê rất lớn nên giá thuê đã được đẩy lên cao. Đây là thời điểm để những nhà phát triển BĐS công nghiệp có thể tận dụng để có thể khai thác được hết thuận lợi của thị trường” – bà Vân nhìn nhận.
Thời điểm hiện tại, phân khúc BĐS công nghiệp tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh từ các DN nước ngoài, nguồn cung của BĐS công nghiệp vẫn tương đối lớn. Nhưng xu thế của khách thuê hiện nay tập trung vào các sản phẩm kho xưởng xây sẵn. Do đó, DN trong nước cần phải có sự đầu tư về chất lượng, cùng với đó, tính toán chi phí xây dựng để có giá thuê hợp lý mới có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài.
"Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, BĐS công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam
MAI VÂN - Kinhtedothi