12/09/2020 Cỡ chữ:   A-    A+   

Covid-19 tái phát khiến thị trường bất động sản càng thêm khó khăn, có sự biến đổi lớn. Nhiều nhà đầu tư đang phải bán tháo, thậm chí là cắt lỗ các gói đầu tư bất động sản dưới áp lực tài chính, thanh toán từ chủ đầu tư. Còn trong khi đó, người mua ở thực lại tiếp cận được nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá mềm từ chủ đầu tư.

1. Dân đầu tư chịu gánh nặng thanh toán
Lỡ ôm hàng nhiều, không thể xoay được tiền để trả theo tiến độ thanh toán của dự án, sức mua của thị trường bị giảm sút,… là những lý do khiến nhà đầu tư phải chấp nhận trả nhà và chịu phạt hoặc rao bán nhà giá gốc không lời.


Dân đầu tư chịu gánh nặng thanh toán do ôm hàng quá nhiều, không thể xoay được tiền để trả theo tiến độ thanh toán của dự án
Theo anh T. – một nhà đầu tư ở Thủ Đức cho biết anh đang rất khốn khổ khi gom hàng quá nhiều mà không lường trước được khó khăn của dịch Covid-19. Anh cho biết, vào tháng 2/2020, một dự án trên thị trường Bình Dương mở bán. Được nhận xét đây là một dự án tốt, vị trí đẹp, giá rẻ, khả năng sinh lời cao nên anh T. đã gom 6 căn hộ với mục đích vừa đầu tư vừa lướt sóng. Theo tính toán của anh, trước khi ký hợp đồng mua bán, 3 căn hộ sẽ bán được giá cao hơn với giá ban đầu.

Tuy nhiên, khi đến hạn phải thanh toán 30% giá trị hợp đồng, anh điêu đứng vì chưa thể bán được căn nào. Nếu không thể thanh toán đúng hạn, anh T. phải chấp nhận chịu phạt theo quy định từ chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của Quản Lý Bất Động Sản, thực trạng nhà đầu tư không thể thanh toán theo tiến độ dự án như anh T. không hề hiếm. Rất nhiều nhà đầu tư đang khổ sở vì không thể thanh toán hay trả góp hàng tháng cho ngân hàng. Lúc này, hy vọng bán lời là không thể, nhiều người đã chọn cách bán căn hộ với giá ngang bằng với giá mua từ chủ đầu tư nhưng cũng rất khó có người mua.


Khá nhiều nhà đầu tư lao đao, tìm mọi cách bán được căn hộ dù phải bán lỗ ở mức thấp hơn nhiều giá thị trường
“Trễ hạn thanh toán 1 kỳ chủ đầu tư có thể châm chước, nhưng nếu trễ thêm 1 kỳ nữa thì có thể bị thu hồi nhà, đóng tiền phạt và các khoản chi phí khác. Điều này khiến khá nhiều nhà đầu tư lao đao, bất an, tìm mọi cách bán được căn hộ dù phải bán lỗ ở mức thấp hơn nhiều giá thị trường” – Anh B., một môi giới căn hộ chia sẻ.

Anh B. cho biết thêm, làn sóng bán cắt lỗ diễn ra chủ yếu ở các sản phẩm cao cấp, có giá trị từ 3 tỷ trở lên. Áp lực tài chính khiến các nhà đầu tư tìm cách bán nhanh được càng tốt, chỉ hy vọng không lỗ hoặc lỗ ít là tốt nhất. Quan trọng nhất vẫn là tìm được người mua. Vì hiện nay, xu hướng bắt đáy thị trường vẫn tập trung ở các sản phẩm giá bình dân là chính.

2. Người mua ở thực đợi bắt đáy thị trường
Tình hình nhà đầu tư là vậy, nhưng ở hướng ngược lại, người mua nhà ở thực lại đang có những thuận lợi về việc tiếp cận được nhiều dự án tốt, giá rẻ.

Anh B. cho biết, anh vừa mua được 1 căn hộ cao cấp với giá gốc do nhà đầu tư bán ra. Dự án này đang xây đến tầng 11, nếu bán theo giá thị trường cũng phải chênh 10 – 15% so với giá ban đầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư không chịu được sức ép thanh toán nên đã bán ra với giá gốc nên anh B. quyết định mua lại.


Người mua ở thực tiếp cận được nhiều dự án chất lượng tốt, tính pháp lý rõ ràng
Ở loại hình đất nền, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn do nhiều dự án chào bán với mức giá khá thấp, thấp hơn so với thời điểm mở bán. Tình trạng làm giá ảo, hét giá, “chim mồi” giảm đáng kể, nhất là những dự án có tính pháp lý đảm bảo mới dám mạnh tay ra hàng. Điều này sẽ giúp người mua ở thực tiếp cận được nhiều dự án chất lượng tốt, tính pháp lý rõ ràng, nhất là với những sản phẩm người mua thực khó sở hữu do phải cạnh tranh với dân đầu tư.

Ngoài tâm lý thận trọng khi xuống tiền mua dự án, tâm lý chung đang bao trùm thị trường hiện nay là người chờ bất động sản xuống giá để mua vào, kể cả là với người mua ở thực. Tuy nhiên, thị trường bất động sản thứ cấp sẽ khó giảm sâu. Nếu tìm thấy sản phẩm phù hợp, người mua hãy xuống tiền thay vì chờ đợi nó xuống tiếp.

Ban biên tập Quản lý Bất động sản

Đăng tin bất động sản