Thị trường bất động sản trong nước đã chịu “tác động kép” khá nặng nề do sự điều chỉnh của thị trường sau giai đoạn tăng trưởng nóng năm 2017 - 2018, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp lao đao.
Giao dịch thấp
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2020 vừa được Công ty CP BĐS LinkHouse Miền Trung công bố chính thức cho thấy, trong thời gian qua, nguồn cung đất nền giảm dần về số lượng dự án. Tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm đất nền trên cả nước trong quý I đạt mức trung bình, chiếm 55% số sản phẩm nguồn cung.
Riêng tại khu vực miền Trung, các TP như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vinh… sản phẩm đất nền ngày càng khan hiếm, chủ yếu nằm ở ngoại ô và các huyện trực thuộc. Tương tự như đất nền, thị trường BĐS nghỉ dưỡng cũng khan hiếm nguồn cung và khả năng tiêu thụ rất thấp. Loại hình condotel dù đã có văn bản hướng dẫn cấp “sổ đỏ” của Bộ TN&MT, tuy nhiên thị trường vẫn không mấy khả quan.
Đồng quan điểm, đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, tình hình thị trường BĐS đang trong giai đoạn “ngủ đông” với lượng giao dịch thấp nhất trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, giá bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng trong quý này vẫn không giảm so với quý IV/2019.
Lý giải về việc này, ông Lê Đại Việt - Giám đốc R&D Công ty CP BĐS LinkHouse Miền Trung cho biết: “Nguồn cung BĐS trên cả nước hiện không nhiều, quỹ đất ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu thực của khách hàng vẫn còn đang rất lớn. Bên cạnh đó, chi phí để đầu tư và cấu thành giá BĐS hiện đang khá cao, đặc biệt là thuế sử dụng đất gần như bằng mức giá thị trường. Do đó, việc các sản phẩm BĐS sẽ không giảm giá là điều dễ hiểu”.
Các sản phẩm đất nền tại Đà Nẵng, Quy Nhơn... ngày càng khan hiếm.
Tăng trưởng GDP quý I năm nay của Việt Nam chỉ đạt 3,82%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tuy nhiên, xét ở tầm khu vực và so với nhiều nền kinh tế khác, các chuyên gia khẳng định kết quả này đạt mức khá cao. Các hoạt động kinh tế, lĩnh vực ngành nghề vẫn có những điểm sáng cần nhận diện và thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian này.
Điển hình như lĩnh vực BĐS đang có nhiều tín hiệu tích cực hứa hẹn cho sự phục hồi nhanh chóng, cụ thể: Chính phủ ban hành một loạt công cụ tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay… Đặc biệt, Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có những tác động mạnh đến thị trường BĐS.
"Phép thử" để thanh lọc thị trường
Dịch Covid-19 đã khiến bức tranh toàn cảnh thị trường BĐS Việt Nam trở nên ảm đạm trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một “phép thử” giúp thanh lọc thị trường. Thực tế cho thấy, chỉ những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực về tài chính, sản phẩm chất lượng và chiến lược phát triển dài hạn mới có thể trụ vững được. Qua giai đoạn này, thị trường BĐS sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ, các doanh nghiệp nhỏ không đủ tầm sẽ rời khỏi “cuộc chơi”.
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam ghi nhận đến ngày 18/03/2020, hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch BĐS trên cả nước đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng. Tình trạng đóng cửa các sàn môi giới vừa và nhỏ diễn ra ồ ạt, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang gần như đến 90%.
Nhu cầu thực của khách hàng về nhà ở vẫn đang rất lớn
Ông Hồ Nguyên Trưởng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BĐS LinkHouse Miền Trung chia sẻ: “Các doanh nghiệp BĐS nên tận dụng khoảng thời gian này để “biến nguy thành cơ”, tăng cường huấn luyện, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên. Đồng thời đưa ra nhiều chương trình quà tặng hấp dẫn và phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng, chú trọng tập trung nguồn lực nhằm tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh”.
Hiện tại, người mua BĐS đang có tâm lý nghe ngóng và chờ đợi thời điểm phù hợp để “xuống tiền”. Nếu nhìn nhận một cách tổng quan, trong những thách thức hiện hữu vẫn đang tiềm ẩn nhiều cơ hội, và những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ biết cách tìm thấy “ngọc trong đá”.
Giải pháp dành cho nhà đầu tư trong giai đoạn này là nên lựa chọn những sản phẩm BĐS có pháp lý hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín, không nên kì vọng “lướt sóng” kiếm lợi nhuận ngắn hạn mà hãy hướng đến sự đầu tư lâu dài. Theo dự đoán của các chuyên gia, khi dịch bệnh đi qua, thị trường BĐS sẽ nhanh chóng phục hồi, bởi đây vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền và đảm bảo tính thanh khoản cao.
THUẦN HƯNG - Kinhtedothi